Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa thực hiện đỡ đẻ thành công cho hai em bé được chữa bệnh khi còn trong bụng mẹ chào đời khỏe mạnh

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa thực hiện đỡ đẻ thành công cho hai em bé được chữa bệnh khi còn trong bụng mẹ chào đời khỏe mạnh

Ngày 30/12, theo tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ của bệnh viện vừa thực hiện đỡ đẻ thành công cho sản phụ Vương Thị L (sinh năm 1992 ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bị hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau. Đây là trường hợp thứ hai được “mẹ tròn, con vuông” sau khi thực hiện kỹ thuật can thiệp trong buồng ối.

Sản phụ Vương Thị L. được chẩn đoán song thai chung một bánh rau từ rất sớm. Khi thai được 12 tuần tuổi, sản phụ L được theo dõi tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đến khi thai được 20 tuần, sản phụ L bắt đầu thấy 2 bào thai có sự chệnh lệch nhau về số lượng nước ối. Một thai có nước ối giảm đi, một thai nước ối tăng lên. Khi thai được khoảng 22 tuần thì một thai đã cạn nước ối. Còn một thai thì đa ối khiến sản phụ cảm thấy khó thở, tức ngực.

BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - người trực theo dõi sản phụ L  cho biết: “Sản phụ L được phát hiện mắc hội chứng truyền máu song thai ở tuần 20 của thai kỳ. Ở tuần 23, chúng tôi phát hiện một thai bị hết ối, bó sát vào cơ thể bé như bị hút chân không khiến bé không thể thở, trong khi thai kia lại dư ối khiến em bé bồng bềnh trong nước ối. Nhận thấy tình trạng nguy cấp, ngày 21/10, sau khi hội chẩn, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, đã tiến hành ca can thiệp trong buồng tử cung sản phụ.”

Theo BSCKI Nguyễn Thị Sim điều đặc biệt ở ca này là cả hai thai đều có dấu hiệu sự sống, bác sĩ phải đấu trí làm sao tìm được các mạch máu ở đường nối của bánh rau, đảm bảo ở vị trí cân bằng để tiến hành chặn, mục đích là để hai thai có được dinh dưỡng tối ưu nhất. Nếu để lệch, tính mạng của thai nhi sẽ khó giữ. Cái khó là phải can thiệp khi cả hai đều đang cử động trong bào thai, qua màn hình camera siêu bé, lại trong môi trường nước. Bất cứ dụng cụ nào cũng có thể chạm vào em bé gây tổn thương. Nếu không khéo léo sẽ không thể điều khiển được tia laser vào đúng mạch máu như ý muốn, như vậy, bệnh sẽ tái phát hoặc khiến em bé rơi vào tình trạng xấu nhất. Cuối cùng, ca can thiệp đã thành công sau 40 phút nhờ sự nỗ lực và phối hợp của các y bác sĩ. Sau ca can thiệp, sản phụ tiếp tục được theo dõi sát sao. Hai em bé phát triển đồng đều. Đến khi song thai bước sang tuần 33, sản phụ L có cơn chuyển dạ và được cấp cứu trong đêm 28/12. Sản phụ L đã đẻ thường thuận lợi được 2 bé gái, mỗi bé nặng 1,8 kg. Hiện tại, hai bé đã tự thở được, bú được sữa. 

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ: “Can thiệp bào thai trong buồng tử cung hiểu đơn giản là chữa bệnh cho thai nhi từ trong bụng mẹ. Trước đây, nếu không thực hiện kỹ thuật này, những thai nhi không may gặp phải bất thường, bệnh lý từ trong bụng mẹ có thể bị tử vong hoặc sinh ra bị dị tật. Còn hiện tại, nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi thông qua khám sàng lọc, chúng ta có thể điều trị, giúp tăng cơ hội cứu sống cho thai nhi ngay từ trong bụng mẹ với tỷ lệ thành công tới 90%.”

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho hay Việt Nam đã có những thành công bước đầu về việc triển khai kỹ thuật can thiệp bào thai. Hiện tại, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là cơ sở công duy nhất đã trực tiếp thực hiện kỹ thuật này với tỷ lệ thành công ngang tầm thế giới. Trong 15 trường hợp đã được mổ, 2 ca đã sinh con khỏe mạnh. Những trường hợp còn lại đang được chăm sóc miễn phí tại viện.

Theo PGS Ánh, việc chăm sóc sau mổ rất quan trọng, mục tiêu kéo dài được tuổi thai càng lâu càng tốt cho các thai phụ. Can thiệp bào tha‌i là kỹ thuật hiện đại nhất trong sả‌n khoa hiện nay, có thể can thiệp được ở hầu hết cơ quan của bào tha‌i, thậm chí cả não, tim, màng phổi. Chi phí thực hiện kỹ thuật này trung bình khoảng 50 triệu đồng/ca. Bệnh viện đang miễn phí cho 30 ca đầu tiên.

Theo PGS Ánh, để cứu được em bé trong bụng mẹ bằng kỹ thuật này, điều kiện đầu tiên là phải được chẩn đoán sớm, sau đó là phòng mổ có trang thiết bị hiện đại, chuyên biệt, đòi hỏi chính xác, hoàn hảo về mọi mặt như ánh sáng, dụng cụ,… cuối cùng là con người với các chuyên gia được đào tạo, bàn tay khéo léo, có trách nhiệm.

“Nước ta có tỷ lệ sinh đẻ cao, mỗi năm có tới hàng nghìn ca gặp các biến chứng, đồng nghĩa hàng nghìn em bé không thể chào đời. Tôi mong muốn được sự quan tâm của các cấp, ngành để nhiều nơi đều có thể triển khai kỹ thuật này. Điều này rất ý nghĩa vì cứu được mạng người, đem lại hạnh phúc rất lớn cho các gia đình”, PGS Ánh chia sẻ.

Nguồn:

https://soyte.hanoi.gov.vn/hoat-dong-co-so/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/benh-vien-phu-san-ha-noi-vua-thuc-hien-o-e-thanh-cong-cho-hai-em-be-uoc-chua-benh-khi-con-trong-bung-me-chao-oi-khoe-manh?_101_INSTANCE_4IVkx5Jltnbg_viewMode=view

https://baomoi.com/bv-phu-san-ha-noi-nhung-ban-tay-vang-tai-tao-mam-song-tuong-lai/c/33508845.epi

Tổ Truyền thông