Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Phối hợp liên viện cứu trẻ sơ sinh bị tim bẩm sinh

Phối hợp liên viện cứu trẻ sơ sinh bị tim bẩm sinh

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phối hợp cứu các trẻ sơ sinh bị bệnh tim từ trong bụng mẹ. Việc chẩn đoán phát hiện sớm tim bẩm sinh sẽ giúp trẻ sinh ra an toàn và được chữa trị ngay khi ra đời.

Mổ chủ động cứu trẻ mắc tim bẩm sinh nặng ngay từ khi chào đời

Sản phụ Lê Thị T. (sinh năm 1991, Hải Phòng) theo dõi thai kỳ tại phòng khám tư. Đến tuần 25, sản phụ tới khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh. Thai nhi có nhịp tim chậm 57 lần/phút, nhịp nhĩ 153 lần/phút, tỷ lệ nhĩ: thất = 1 : 3, được chẩn đoán có tình trạng block nhĩ thất cấp III.

Theo TS.BS Đinh Thúy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, block nhĩ thất là một trong những rối loạn về nhịp tim của thai nhi, thường bắt đầu xuất hiện ở tuổi thai từ 18 - 30 tuần, có thể xảy ra là phù thai, suy chức năng tim thai và em bé có thể rơi vào tình trạng nguy kịch nếu không được cấp cứu và can thiệp ngay sau sinh. Ngay khi phát hiện thai nhi có hiện tượng block nhĩ thất, sản phụ được quản lý và theo dõi chặt chẽ và tới 36 tuần, Bệnh viện đã phối hợp cùng các bác sĩ tim mạch, Bệnh viện Nhi T.Ư hội chẩn để mổ chủ động đảm bảo an toàn cho bé.

Trước đó, ở tuần 24, sản phụ N.T.D. (sinh năm 1994,Thái Bình) phát hiện thai nhi bị dị tật tim bẩm sinh: Block nhĩ thất cấp III, nhịp tim chậm, nhịp thất 51 lần/phút, nhịp nhĩ 86 lần/phút và hiện tượng đa ối, bánh rau dày. Sản phụ được theo dõi sát sao tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Tới tuần 36, thai nhi bắt đầu có dấu hiệu suy chức năng tim, gây phù thai, tim thai to, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng phổi phải kèm theo đa ối... Kíp phẫu thuật của 2 bệnh viện đã mổ thành công bé sơ sinh nặng 3kg nhưng nhịp tim bé thấp: 35 lần/phút. Bình thường tâm thất và tâm nhĩ của trẻ sơ sinh đập cùng 1 nhịp và dao động từ 120 - 160 lần/phút. Ngay lập tức, bé được thực hiện hồi sức sau sinh. Khi các chỉ số đi vào ổn định, bé được chuyển sang theo dõi tích cực tại Bệnh viện Nhi T.Ư.Một ê kíp phẫu thuật của 2 bệnh viện do TS. BS Nguyễn Thanh Hải (Bệnh viện Nhi T.Ư và TS.BS Đỗ Tuấn Đạt (Bệnh viện Phụ sản T.Ư) dẫn đầu đã đón em bé chào đời vào 10h50 ngày 7/12/2020 và được hồi sức sau sinh qua cơn nguy kịch. Khi các chỉ số đi vào ổn định, em bé được chuyển sang theo dõi tích cực tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Sau sinh sản phụ có tình trạng sức khỏe tốt.

Sàng lọc phát hiện sớm trong bào thai giúp trẻ khỏe mạnh

TS.BS Đinh Thúy Linh cho biết, hiện nay trong các bất thường bẩm sinh ở trẻ thì tim bẩm sinh là một trong các bệnh lý có tỷ lệ xuất hiện cao nhất (khoảng 1%), ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ. Đa số các trường hợp tim bẩm sinh trẻ cần phải phẫu thuật sau sinh, nhiều bệnh lý tim bẩm sinh nặng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ ở nhiều chuyên ngành trong hồi sức, cấp cứu trẻ ngay sau sinh. Vì vậy, siêu âm sàng lọc, chẩn đoán bệnh lý tim bẩm sinh ngay trong thời kỳ bào thai đóng 1 vai trò hết sức quan trọng.

BS Nguyễn Thị Phương Lan, Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, 3 thời điểm vàng để siêu âm, lần thứ nhất tuổi thai từ 12 - 14 tuần (12 tuần); thứ hai từ 21 - 24 tuần (22 tuần) và từ 28 - 32 tuần (32 tuần). Đặc biệt, ở tuổi thai 12 - 14 tuần, việc siêu âm sẽ giúp phát hiện sớm các dị tật lớn ở thai nhi như các bất thường về hệ thần kinh trung ương (thai vô sọ, não lộn ngoài...) hay các bất thường khác như thoát vị rốn, khe hở thành bụng, một số dị tật về chân, tay.

Ngoài ra, việc đo khoảng sáng sau gáy tại thời điểm này kết hợp với xét nghiệm sàng lọc Double test có ý nghĩa rất quan trọng trong sàng lọc một số hội chứng rối loạn di truyền hay gặp như Hội chứng Down, Hội chứng Edwards, Hội chứng Patau; Siêu âm ở tuổi thai 21 -24 tuần là lần siêu âm giúp phát hiện hầu hết các bất thường hình thái ở thai nhi, trong đấy có các bệnh lý tim bẩm sinh; Lần siêu âm lúc thai được 28 – 32 tuần là lúc đánh giá sự phát triển của thai trong tử cung, đồng thời cũng là thời điểm khảo sát tiếp một số bất thường ở khác ở thai nhi.

Tuy nhiên, do các bệnh lý tim bẩm sinh là những bệnh lý phức tạp, siêu âm trước sinh hiện nay chỉ có thể phát hiện từ 60 - 80% các bệnh lý này. Sau sinh trẻ cần được kiểm tra sức khoẻ bởi các bác sĩ sơ sinh cũng như làm thêm các sàng lọc để tránh bỏ sót các bệnh lý tim bẩm sinh.

Vì vậy, để được phát hiện tim bẩm sinh ngay trong thai kỳ, sản phụ nên lựa chọn theo dõi tại cơ sở y tế uy tín. Đồng thời, trong trường hợp em bé được chẩn đoán mắc tim bẩm sinh, sản phụ cũng nên lựa chọn cơ sở y tế có ekip hồi sức sau sinh tốt, đảm bảo hồi sức kịp thời cho trẻ.

Nguồn:

https://khoahocdoisong.vn/phoi-hop-lien-vien-cuu-tre-so-sinh-bi-tim-bam-sinh-159287.html

https://vnexpress.net/cuu-be-gai-mac-benh-tim-bam-sinh-4203799.html

https://zingnews.vn/cuu-be-gai-bat-thuong-nhip-tim-bam-sinh-ngay-khi-chao-doi-post1162789.html

https://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-14122020-9-be-so-sinh-tu-vong-trong-24-gio-o-an-do-a349248.html

https://giadinh.net.vn/y-te/cuu-be-gai-bat-thuong-nhip-tim-bam-sinh-ngay-khi-chao-doi-20201213113833058.htm

https://24htivi.net/2020/12/13/cuu-nho-nhan-gai-mac-benh-tim-bam-sinh.html

https://nguoi-noi-tieng.com/suc-khoe/cuu-be-gai-mac-benh-tim-bam-sinh-1099716

https://thuocsuckhoe.com.vn/huong-dan-nuoi-day-con/cuu-be-gai-mac-benh-tim-bam-sinh

Hà Trang - Tổ Truyền thông