Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

ĐỂ NHÀ VỆ SINH KHÔNG TRỞ THÀNH NỖI SỢ HÃI

ĐỂ NHÀ VỆ SINH KHÔNG TRỞ THÀNH NỖI SỢ HÃI

  Nhắc tới nhà vệ sinh bệnh viện, nhiều người chỉ cho rằng, đó là nơi giải quyết một trong số nhu cầu sinh lý đơn thuần của con người. Chính vì lẽ đó, nhà vệ sinh không được đầu tư, chăm sóc cẩn thận dẫn tới chuyện, nhắc tới nhà vệ sinh bệnh viện, người bệnh cảm thấy kinh hãi. Tuy nhiên, nhận thức được vai trò quan trọng của nhà vệ sinh, đặc biệt, muốn hướng tới làm hài lòng toàn diện nhu cầu người bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiến tới cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhiều nhà vệ sinh lên đến mức tiện ích. 

     Mang bầu 39 tuần, bắt đầu vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chờ đẻ, cũng như nhiều bà bầu khác, chị Nguyễn Thị Hằng (Phú Xuyên, Hà Nội) phải tìm đến nhà vệ sinh nhiều lần. Đối với chị, một trong số những điều may mắn khi vào bệnh viện, ngoài được phục vụ chu đáo, dịch vụ tốt, nhà vệ sinh sạch sẽ cũng là điều vô cùng quan trọng với những bà bầu như chị. 

“Mỗi ngày tôi phải đi vệ sinh rất nhiều lần. Cứ khoảng một lúc là tôi đã cảm giác mót tiểu. Thế nhưng lần này may mắn vì bệnh viện có nhà vệ sinh sạch sẽ, mà cũng khá tiện khi chúng tôi không phải vác bụng bầu đi mấy tầng nhà chỉ để đi tiểu.

    Với bệnh nhân như chúng tôi, nhà vệ sinh sạch, không ẩm ướt, không hôi thối, có nước xả và nước rửa tay là mừng lắm rồi. Nhưng ở bệnh viện này, họ thêm cả dép để chúng tôi thay, vừa đỡ bẩn mà cũng không sợ trơn trượt”, chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

     Có thể coi, đó là tín hiệu đáng mừng của hệ thống ngành y khi các bệnh viện đã nhận được độ hài lòng của người bệnh về nhà vệ sinh bệnh viện. Vì trước đây, trong một cuộc khảo sát chỉ số hài lòng người bệnh, điểm thấp nhất rơi vào nhà vệ sinh bệnh viện. Nhiều bệnh nhân còn chia sẻ, mỗi lần nhớ tới nhà vệ sinh bệnh viện đều thấy kinh hãi.

    Điều này cũng được ngành y tế thẳng thắn nhìn nhận, mới đây, trong Hội nghị “Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Nhiều bệnh viện, ngay cả bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện rất bẩn, không có xà phòng cho chính nhân viên y tế rửa tay. Đôi khi, nhiễm trùng bệnh viện cũng từ bàn tay không được vệ sinh sạch mà ra”.

    Bộ trưởng quyết liệt cho rằng, nếu sau này, “bất cứ nhà vệ sinh khoa nào bẩn tức là trưởng khoa đó bẩn, bệnh viện đó nhiều nhà vệ sinh bẩn, tức giám đốc và trưởng khoa đó ở bẩn". 

    Tuy nhiên, ngay cả khi các bệnh viện có sự đầu tư tới nhà vệ sinh, nhưng nhiều người dân ý thức sử dụng còn rất kém. Nhiều người sẵn sàng nôn mửa, dù có biển báo không đặt chân lên bệ cầu, xả nước sau khi đi vệ sinh nhưng nhiều người vẫn ngó lơ. Xét đến cùng, để khâu “giải quyết nỗi buồn” không còn là sự ám ảnh, ngoài việc cơ sở y tế phải nâng cao nhận thức, đầu tư cho nhà vệ sinh, chính bản thân những người bệnh cũng cần thay đổi ý thức.

    Và với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, để có được những thành quả đó, ngoài sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo bệnh viện khi đã nhìn nhận rõ ra vai trò của nhà vệ sinh thì nó còn là sự góp sức của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cùng nâng cao ý thức xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp. 

    Với sự kiên quyết của Bộ Y tế, các bệnh viện cần đổi mới, xây dựng và đầu tư nhiều hơn nữa những nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, hiện đại. Bởi vì, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu chính đáng của người bệnh, mà còn đảm bảo phòng các bệnh lây nhiễm, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện.

(Theo Gia đình mới)

Tổ Truyền thông