Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

CẢM THÔNG VÀ SẺ CHIA

CẢM THÔNG VÀ SẺ CHIA

Mỗi ngày đi làm tiếp xúc với vài chục bệnh nhân - người nhà người bệnh. Vậy là trong suốt quãng thời gian làm nghề tôi đã tiếp xúc được với hàng chục nghìn người, hàng chục nghìn hoàn cảnh sống khác nhau. Nhưng khi hỏi tôi về một kỉ niệm đáng nhớ, không hiểu sao tôi lại nghĩ về bệnh nhân đó đầu tiên, có lẽ là bình thường với người khác, nhưng lại đáng nhớ với tôi.

Đó là một bệnh nhân trẻ trong 1 gia đình khó khăn, bố mẹ già ở quê làm nông mưu sinh hàng ngày. Bạn đó lên thành phố làm công nhân may, đôi khi thì phụ bếp, rửa bát, và qua 3 năm thì bạn có 2 đứa con với 2 người bạn trai khác nhau. Ngày bạn gái vào viện  sinh, tôi biết bố mẹ em rất thương nhưng cũng rất bực, mắng em đồng thời xin bác sĩ triệt sản luôn cho em khỏi yêu đương và mang thai bừa bãi. Mọi người xung quanh thì đa số đều mắng nhiếc, cười cợt chê trách em.

Tôi ban đầu khi nghe đồng nghiệp kể chuyện cũng có phần trách móc và ngán ngẩm. Đêm đó, tôi có đến bên em, ban đầu hỏi và nói chuyện vì tò mò, nhưng càng nói thì tôi càng thấy hiểu em hơn. Em đã mở lòng mình chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, chia sẻ về sự nghèo khó và thiếu yêu thương trong cuộc sống của em. Đúng là không có gì tự dưng xảy ra trên đời, khi những lần mang thai của em đều do nhẹ dạ mà bị lừa. Thương em, tôi có ngồi nói chuyện lâu hơn, và em từ một người bệnh hay khóc lóc, thấy cô đơn trong phòng sinh thì em cũng mạnh dạn hơn, tích cực và có niềm tin hơn. Em không đẻ ở ca trực của tôi, nhưng ngày hôm sau đó tôi có gặp lại, thì em luôn hướng ánh nhìn và nở nụ cười cúi đầu chào tôi. Dù em ngại ngùng không nói, nhưng tôi biết có một sợi dây vô hình giữa tôi và em.

Câu chuyện của tôi đơn giản vậy thôi. Tôi không phải là người trực tiếp đỡ đẻ cho em, tôi chỉ thực hiện thuốc, trò chuyện, rồi kiên nhẫn động viên khi em khóc nhè do bị tiêm.

Trước khi trò chuyện thì em từ chối điều trị, em khóc và không muốn tiêm thuốc. Nhưng khi tiếp xúc, tôi thấy thương em nên cũng kiên nhẫn giải thích cho em hiểu. Cả tua trực hôm đó cùng cảm thông trò chuyện quan tâm em, vì vậy mà em nói: “Em thấy các chị hộ sinh đáng yêu, chứ không phải là tàn nhẫn chọc kim lên người mình”

Và thực sự cái ngày đó tôi như có 1 sự khai sáng, tôi nhận ra: “động viên tinh thần” cũng chính là 1 phương thức điều trị.

Dùng thuốc, can thiệp thủ thuật… là những cách thức chữa trị trên cơ thể vật lý

Còn động viên, đồng hành cùng tinh thần người bệnh, lại chính là thứ giúp tinh thần họ khoẻ hơn. Cũng là thứ vô tình in lên tiềm thức, để có khi vài năm sau khi nhắc, người bệnh  thấy bệnh viện không phải là nơi quá đáng sợ, ở bệnh viện vẫn có những “người chị” “người bạn” rất gần gũi.

Tôi ước gì bản thân mình luôn giữ được sự kiên nhẫn để không phán xét, đủ kiên nhẫn để lắng nghe, đủ yêu thương để chăm sóc nâng đỡ người bệnh hàng ngày. Mỗi khi giúp được một người bệnh, đơn giản như ngồi xuống giúp các mẹ bầu đi bốt phẫu thuật để họ không phải cúi, hành động nhỏ vậy thôi nhưng tôi cảm thấy như có một bông hoa hồng trong ngực đang nở. Thật khó tả, nhưng người nuôi được cả một vườn hồng trong tim hẳn là người hạnh phúc nhất.

Chúc cho bản thân tôi và các đồng nghiệp của tôi càng ngày càng có nhiều hoa thơm trong khu vườn của mình, giúp chúng tôi yêu thương con người, trân trọng nghề nghiệp nhiều hơn.

Chúc mừng ngày quốc tế Hộ sinh 5/5 - ngày quốc tế Điều dưỡng 12/5!

Nữ hộ sinh Nguyễn Sao Mai - Khoa Đẻ thường A2