Đó là những khoảnh khắc đầu đời của các em bé, khoảnh khắc vỡ oà khi các bà mẹ lần đầu nhìn thấy đứa con yêu dấu của mình. Không chỉ có vậy mà đó còn là những lúc yếu đuối nhất của người bệnh cấp cứu, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh. Nếu có thể kể ra thì đó sẽ là muôn ngàn, muôn vạn câu chuyện đáng ghi nhớ, đáng trân trọng của khoa Gây mê hồi sức. Và chúng tôi, những điều dưỡng của khoa Gây mê hồi sức luôn ý thức được vai trò, nhiệm vụ của mình trong những khoảnh khắc đó. Chúng tôi luôn mong muốn, cố gắng hết sức để cho những kỷ niệm với người bệnh, khi kể lại sẽ là một cái kết thật đẹp và có hậu.
Riêng đối với bản thân tôi, trong suốt 12 năm làm việc tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, câu chuyện khiến tôi nhớ nhất là về một sản phụ mang thai 38 tuần bị thiểu năng trí tuệ. Các bạn có thể hình dung những người phụ nữ khoẻ mạnh mang thai đã là một điều rất khó khăn và vất vả. Còn cô gái này đến những nhu cầu tối thiểu của bản thân mình còn phụ thuộc vào người khác. Vậy mà giờ đây, khi mang trong mình một sinh linh bé bỏng thì cô gái ấy sẽ phải biết làm như thế nào?
Khi đó, tôi mới vào làm việc ở bệnh viện được 2 năm và đang học việc trong phòng mổ. Tôi chưa thể hình dung ra khi mổ cho những sản phụ thiểu năng trí tuệ thì sẽ như thế nào? Họ sẽ lo sợ, gào thét, hoảng loạn hay bất hợp tác không nghe theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế? Nhưng trái ngược với những lo lắng của tôi, cô gái đó lại vô cùng hợp tác. Em lắng nghe và làm theo đúng những lời hướng dẫn của chúng tôi. Bằng những lời động viên dịu dàng, những ánh mắt chất chứa niềm cảm thương, những cái nắm tay như tiếp thêm sức mạnh để em không còn cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Tôi tin rằng cô gái đó dù là ngờ nghệch nhưng vẫn hiểu được chúng tôi đang làm những điều tốt đẹp nhất cho mẹ con em. Và khoảnh khắc em bé cất tiếng khóc chào đời, tôi đã nghĩ rằng có lẽ nào tình mẫu tử đã mang lại cho em sức mạnh tinh thần từ khi mang thai đến bây giờ. Những giọt nước mắt của tôi trực lăn xuống. Tôi khóc vì hạnh phúc cho em, khóc vì thương em và thương bé nhiều hơn. Và cũng khóc vì hi vọng vì tương lai..... Như điều gì đó thôi thúc, tôi đã ngồi bên cạnh em nói với em rất nhiều. Không biết em có hiểu tất cả những gì tôi nói không. Tôi chỉ biết rằng, những câu chuyện, những lời động viên của tôi dành cho em, bất giác em nở một nụ cười nhạt nhòa trong nước mắt. Phải chăng tình mẫu tử là một phép màu...Tôi không chắc rằng cô gái đó có thể suy nghĩ hay mong ước xa xôi về tương lai sau này, nhưng tôi tin chắc rằng từ trong tiềm thức người mẹ đó luôn có sức mạnh bản năng của người mẹ. Đó là một khoảnh khắc thật đẹp của tình mẫu tử- thứ liên kết bền chặt, khó có thể đứt gãy nhất dù trong bất kì hoàn cảnh nào.
" Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con"
Được làm việc tại ở nơi mà mầm sống được nảy nở, tương lai được viết tiếp- đó thực sự là may mắn và hạnh phúc của chúng tôi.
Với tính chất, đặc thù của công việc là chính xác, khẩn trương, chúng tôi chỉ được chăm sóc, tiếp xúc với các sản phụ trong thời gian rất ngắn. Vì vậy mà làm như thế nào để từng sản phụ hiểu được sự ân cần, chu đáo, tận tâm...của điều dưỡng gây mê đó là 1 thách thức cũng như là mục tiêu của chúng tôi.
Nhưng tôi tin rằng những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm tới trái tim, yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi.
Thật trùng hợp là năm nay ngày kỉ niệm quốc tế điều dưỡng 12/5 lại cũng là ngày của mẹ( ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 5). Chúng tôi xin gửi ngàn lời cảm ơn tới các bà, các mẹ - những người phụ nữ đã ươm mầm sống cho tương lai.
Chúc cho những đồng nghiệp thân yêu luôn có thật nhiều sức khoẻ, vững vàng chuyên môn, trái tim nhiệt huyết, tận tâm, yêu nghề.
Điều dưỡng Nguyễn Kim Thoa - Khoa Gây mê hồi sức