8 mốc khám quan trọng để phát hiện những bất thường
Ths.BS Trần Anh Đức - Phó trưởng khoa D3 cho biết: "Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mẹ bầu nên thực hiện khám thai ít nhất 3 lần, đó là ở thời điểm tuần 12, tuần 22 và tuần 32. Tuy nhiên với môi trường ngày càng ô nhiễm và sự xuất hiện của các mầm bệnh lạ, nên đa số các bệnh viện sản phụ khoa lớn ở Việt Nam đều khuyến cáo mẹ bầu nên đi thăm khám ít nhất khoảng 8 đến 10 lần nhằm theo dõi sức khỏe tổng quan của mẹ bầu, sự phát triển của thai nhi và phòng trừ trường hợp không may xảy ra."
Theo BS. Đức, siêu âm cần tiến hành ngay khi mẹ bị chậm kinh 1 tuần hoặc thử que hiện 2 vạch rõ để xem bạn thực sự có thai hay không, thai vào buồng tử cung chưa cũng như để loại trừ trường hợp thai ngoài tử cung.
Hiện nay, mẹ bầu đã có thể thực hiện sàng lọc dị tật sớm cho con ngay từ tuần thai thứ 12 bằng Double test hoặc Nipt kết hợp với siêu âm hình thái lần thứ nhất (Siêu âm 4D-5D) của thai nhi. Trong đó Nipt ngày càng được lựa chọn nhiều hơn vì độ chính xác với một số bất thường về nhiễm sắc thể lên đến 99,9%.
Tiếp đó, từ 18 đến 22 tuần mẹ bầu cần thăm khám, siêu âm hình thái lần thứ hai (Siêu âm 4D-5D) để phát hiện các dị tật sớm của thai (hệ thần kinh, tim phổi, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu...). Từ tuần 20 trở đi mẹ nên làm xét nghiệm nước tiểu và đo huyết áp mỗi khi đi khám thai để đánh giá nguy cơ tiền sản giật của mẹ.
Một mối lo ngại của các mẹ bầu là tiểu đường thai kỳ sẽ được thực hiện thông qua làm nghiệm pháp đường huyết vào tuần 24 đến tuần 28.
Và từ tuần 28 trở đi, mẹ bầu cần theo dõi sát sao cử động thai vì đây là dấu hiệu gián tiếp đánh giá sức khỏe của thai nhi. Các mẹ bầu sẽ nên đến viện khám cấp cứu ngay khi thấy cử động thai ít hơn so với bình thường tại vì lúc đó có thể sức khỏe của thai đang gặp nguy hiểm.
Tuần thai từ 28 đến 32 tuần là mốc sẽ siêu âm hình thái lần cuối (Siêu âm 4D-5D) để phát hiện các dị tật xảy ra muộn như dị tật của hệ thần kinh hay dị tật tim...
Tuần thai thứ 36 thông thường, các mẹ hay được các bác sĩ hẹn đến làm xét nghiệm kiểm tra sức khỏe cơ bản cho mẹ để hoàn thiện hồ sơ sinh.
Từ tuần 36 đến lúc sinh thì các bác sĩ thường hay hẹn các mẹ khám định kỳ 1 đến 2 tuần một lần để siêu âm đánh giá cân nặng của thai nhi, đo lượng nước ối, chạy máy để đo tim thai, cơn co tử cung, khám đánh giá khung chậu của người mẹ để có thể tiên lượng xem mẹ bầu có thể đẻ thường được không cũng như chuẩn bị chu đáo cho cuộc vượt cạn "mẹ tròn, con vuông".
4 loại vi chất quan trọng cần bổ sung để "mẹ tròn, con vuông"
Ths.Bs Trần Anh Đức cũng nhấn mạnh: 4 loại vi chất mẹ bầu cần đặc biệt lưu tâm là: sắt, acid folic, canxi và DHA. Trong đó, acid folic cần bổ sung ngay từ 3 tháng đầu thậm chí có thể nên bổ sung từ trước khi mang thai ít nhất một tháng để phòng các dị tật của ống thần kinh. Sắt chủ yếu tham gia tạo tế bào hồng cầu của máu. Canxi giúp phát triển hệ xương của thai nhi và duy trì khung xương của mẹ. Còn DHA sẽ đóng vai trò giúp phát triển não và mắt cho thai nhi.
Trong 4 loại chất trên thì bổ sung sắt gây nhiều thách thức bởi sắt khó hấp thu - dễ gây tác dụng ngoại ý. Đồng thời mẹ bầu dễ gặp tình trạng nôn nghén, trào ngược dạ dày làm giảm hấp thu sắt.
Thu Linh - Tổ Truyền thông