Theo Ths Trương Thị Mỹ Hà – Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ từ chối bú mẹ. Có thể là: trẻ bị ốm, trẻ bị đau, trẻ gặp khó khăn khi bú mẹ.
Trẻ bị ốm, đau
Thông thường trẻ ốm ít khi từ chối hoàn toàn bú mẹ. Trẻ ốm vẫn ngậm vú nhưng bú yếu hơn trước.Đôi khi trẻ không ốm nặng, nhưng bị nghẹt mũi, không thể thực hiện động tác bú.Trẻ có thể không bị ốm nhưng uể oải do thuốc mẹ dùng trong cuộc sinh hoặc thuốc mẹ dùng điều trị bệnh tâm thần.
Do vết thương ở đầu bị thâm tím do sức ép của ventouse và forceps. Trẻ khóc và chống lại khi mẹ cố gắng cho bú. Miệng trẻ bị đau do tưa lưỡi (nhiễm nấm Candida). Trẻ bú vài lần rồi ngừng lại và khóc....
Trẻ gặp khó khăn trong khi bú mẹ
Trẻ có thể từ chối bú mẹ khi không nhận được nhiều sữa do ngậm bắt vú kém hoặc vú bị cương tức.Khi trẻ được đặt vào vú sai, hay tư thế bú sai, mẹ sẽ vô tình ép mạnh đầu trẻ vào vú mẹ gây phản xạ“chống lại” ở trẻ.
Hạn chế các bữa bú: chỉ cho bú vào những giờ nhất định chớ không phải theo nhu cầu trẻ. Trẻ từ chối bú do chưa có nhu cầu (chưa đói). Sữa xuống quá nhanh do sự tạo sữa quá mức, trẻ từ chối do không kịp nuốt.
Ngoài ba nguyên nhân chính kể trên, nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc trẻ bú mẹ như: Mẹ bị ốm hoặc nhiễm trùng vú, thay đổi mùi của sữa mẹ (mẹ dùng metronidazole, gia vị có mùi mạnh…), thay đổi mùi của mẹ (dùng loại xà phòng mới, nước hoa mới, thức ăn lạ)… Khi đó có thể trẻ không khóc mà chỉ đơn giản là từ chối bú mẹ.
Các mẹ nên lưu ý cần phải tìm ra nguyên nhân vì sao trẻ bỏ bú để có cách giaỉ quyết cho phù hợp.
- Nếu trẻ ốm mẹ có thể hút sữa ra, cho trẻ ăn theo đường ống cho đến khi trẻ bú trở lại. Trẻ nghẹt mũi: nhỏ mũi trẻ bằng dung dịch NaCl 0.9% và dùng dụng cụ hút mũi. Cho trẻ bú ngắn hạn và thường xuyên hơn trong vài ngày.
- Nếu trẻ bị đau, cố gắng tránh chỗ đau của trẻ khi bế để không tác động vào làm trẻ thêm đau. Nếu trẻ bị nấm lưỡi: điều trị bằng kem Nystatin bôi núm vú 4 lần mỗi ngày và nhũ tương Nystatin 100.000 IU/mL nhỏ vào miệng trẻ 1 mL x 4 lần/ngày.
-Trẻ gặp khó khăn trong khi bú mẹ: mẹ cần tìm hiểu cho bé bú đúng cách, đúng tư thế, miệng trẻ ngậm vú đúng. Mỗi bữa bú chỉ nên cho trẻ bú một bên vú (nếu như thế là đủ nhu cầu của trẻ) để tránh tạo sữa quá nhiều thay vì cố gắng cho trẻ bú cả 2 vú trong mỗi lần.Cho trẻ bú theo nhu cầu chớ không theo giờ.
- Mẹ chủ động xử lý các mùi lạ khiến trẻ khó chịu, mẹ cũng lưu ý tránh ăn những thức ăn gây mùi cơ thể hay uống thuốc có tạo mùi mạnh cho sữa mẹ.
Thu Linh - Tổ Truyền thông