Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

THÔNG TIN THUỐC BẢN TIN DƯỢC LÂM SÀNG SỐ 2 - 2020

THÔNG TIN THUỐC BẢN TIN DƯỢC LÂM SÀNG SỐ 2 - 2020

Có nên xét nghiệm và điều trị vi khuẩn niệu không có triệu chứng hay không?

Tình trạng xuất hiện vi khuẩn niệu không triệu chứng (asymptomatic bacteriuria -ASB) thường gặp trong nhiều quần thể, bao gồm cả phụ nữ khỏe mạnh và những bệnh nhân có các bất thường đường niệu. ASB được xác định là sự có mặt của 1 hoặc nhiều chủng vi khuẩn trong nước tiểu đạt ngưỡng nhất định (≥105 đơn vị hình thành khuẩn lạc [CFU]/mL hoặc ≥108 CFU/L), có hoặc không có mủ trong nước tiểu, mặt khác không có các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm khuẩn đường niệu (urinary tract infection - UTI). Trong hầu hết các trường hợp, ASB ít có nguy cơ tiến triển thành bệnh lý nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Không điều trị ASB giúp giảm sử dụng kháng sinh, tránh nguy cơ kháng kháng sinh và các tác dụng không mong muốn (TDKMM) không cần thiết. Trên một số quần thể bệnh nhân có tỉ lệ mắc ASB cao lại thường có các dấu hiệu và triệu chứng không tại chỗ, khiến các nhân viên y tế khó chẩn đoán chính xác bệnh lý nhiễm trùng.

Đầu năm 2019, Hội Bệnh lý Nhiễm trùng Mỹ (Infectious Diseases Society of America - IDSA) mới đây đã cập nhật các hướng dẫn giúp ích cho việc ra quyết định về vi khuẩn niệu không có triệu chứng. Các bằng chứng do IDSA đưa ra cũng tương tự với kết quả của một tổng quan hệ thống năm 2018 của Hội tiết niệu châu Âu (European Association of Urology - EAU), tiến hành trên 50 thử nghiệm lâm sàng bao gồm 7088 bệnh nhân. Các nghiên cứu không cho thấy lợi ích của điều trị ASB trong hầu hết các quần thể bệnh nhân. Thậm chí, theo tổng quan của EAU, điều trị ASB trên đối tượng bệnh nhân có UTI lặp lại có thể làm tăng nguy cơ nhiễm UTI có triệu chứng.

Mặt khác, theo EAU, trên phụ nữ mang thai, điều trị ASB giúp giảm tỉ lệ nhiễm UTI có triệu chứng, giảm tỉ lệ sinh non và sinh con nhẹ cân. IDSA cũng khuyến cáo ủng hộ xét nghiệm sàng lọc và điều trị ASB trên phụ nữ có thai, với liệu trình kháng sinh 4-7 ngày. IDSA chưa có dữ liệu để ủng hộ hay phản đối việc xét nghiệm lặp lại ASB trên những phụ nữ đã có xét nghiệm âm tính với vi khuẩn niệu trước đó hoặc sau khi đã điều trị hết ASB. 

 IDSA khuyến cáo không xét nghiệm và điều trị ASB trên các đối tượng bệnh nhân sau:

- Trẻ em

- Phụ nữ không mang thai

- Người cao tuổi bị suy giảm chức năng

- Bệnh nhân đái tháo đường

- Và một số trường hợp đặc biệt khác

Hội Bệnh lý Nhiễm trùng Mỹ khuyến cáo cần xét nghiệm sàng lọc và điều trị vi khuẩn niệu không triệu chứng trên phụ nữ có thai, với liệu trình kháng sinh 4 -7 ngày.

 

Tài liệu tham khảo:

Theo trang thông tin thuốc của Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc – canhgiacduoc.org.vn