Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Thông tin thuốc - Bản tin dược lâm sàng số 6 năm 2021

Thông tin thuốc - Bản tin dược lâm sàng số 6 năm 2021

SỬ DỤNG KHÁNG SINH DỰ PHÒNG TRONG SẢN KHOA

Nhiễm khuẩn vết mổ (NKVM) là những nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật trong thời gian từ khi mổ cho đến 30 ngày sau mổ với phẫu thuật không cấy ghép và cho tới một năm sau mổ với phẫu thuật có cấy ghép bộ phận giả. NKVM là hậu quả không mong muốn thường gặp nhất và là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở người bệnh được phẫu thuật trên toàn thế giới. NKVM đe dọa cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân mỗi năm và làm gia tăng sự lây lan của vi khuẩn kháng kháng sinh.

Sử dụng kháng sinh dự phòng (KSDP) trong các ca phẫu thuật, ngoài việc làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ còn góp phần giảm chi phí điều trị, giảm phiền phức đau đớn cho người bệnh, đồng thời cũng hạn chế tình trạng kháng thuốc. Chính vì thế, hiện nay KSDP là một trong những nội dung quan trọng của chương trình quản lý kháng sinh tại Bệnh viện.

Trên thế giới, Tổ chức y tế Thế giới (WHO), Hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Hội Sản Phụ khoa Canada (SOGC) đã đưa ra các bài viết, thông tin chính thức về việc sử dụng kháng sinh dự phòng, cụ thể là các thuốc kháng sinh Cefazolin, Ampicillin-Sulbactam, Cefuroxim để đưa vào phác đồ kháng sinh dự phòng trong sản khoa.

Trong “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh của Bộ Y tế” năm 2015 cũng đã cập nhật về kháng sinh dự phòng này. Nhiều Bệnh viện tuyến Tỉnh, Trung ương đã cập nhật phác đồ kháng sinh dự phòng trong Hướng dẫn sử dụng kháng sinh Bệnh viện nhiều năm nay.

Tại Bệnh viện, bệnh nhân phẫu thuật lấy thai chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số bệnh nhân được phẫu thuật và đây là loại phẫu thuật có thể áp dụng rộng rãi kháng sinh dự phòng. Việc cập nhật áp dụng kháng sinh dự phòng tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội sẽ:

1. Giảm kỹ thuật xâm lấn gây đau cho bệnh nhân

2. Giảm chi phí điều trị.

3. Giảm tình trạng đề kháng kháng sinh.

4. Giảm công sức của điều dưỡng thực hiện thao tác tiêm truyền.