Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

THÔNG TIN THUỐC - BẢN TIN SỐ 7 NĂM 2019

THÔNG TIN THUỐC  - BẢN TIN SỐ 7 NĂM 2019

 THÔNG TIN THUỐC

BẢN TIN SỐ 7 NĂM 2019

Kính gửi: Các Trung tâm, Khoa, Phòng thuộc Bệnh viện.

Chủ đề: Nâng cao chất lượng báo cáo Phản ứng có hại của thuốc

Phản ứng có hại của thuốc (ADR) trong nhiều trường hợp là đặc tính vốn có của thuốc. Đa số các ADR có thể phòng tránh được.

Tại sao phải báo cáo ADR?

* Luật Dược quy định:“Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cán bộ, nhân viên y tế có trách nhiệm theo dõi và báo cáo cho người phụ trách cơ sở, cơ quan có thẩm quyền quản lý thuốc về các phản ứng có hại của thuốc”.

* Thử nghiệm lâm sàng với một thuốc trước khi đưa ra thị trường chỉ được tiến hành trên một số lượng bệnh nhân rất ít so với lượng bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc đó trong thực tế. Mặt khác các thử nghiệm lâm sàng thường không đánh giá trên các đối tượng bệnh nhân đặc biệt như người già, trẻ em, phụ nữ có thai, bệnh nhân suy gan, suy thận…Điều đó cho thấy những thông tin về độ an toàn của một thuốc thu được từ các thử nghiệm lâm sàng là rất hạn chế, đặc biệt là thông tin về các phản ứng nghiêm trọng nhưng tần suất xảy ra thấp.

Do vậy, thông tin do các cán bộ y tế cung cấp về các phản ứng có hại của thuốc sẽ vô cùng hữu ích để tiếp tục đánh giá một cách toàn diện hơn về các nguy cơ tiềm ẩn của thuốc khi lưu hành trên thị trường.

* Phản ứng có hại của thuốc có thể làm:

- Tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

- Kéo dài thời gian nằm viện.

- Ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, tăng chi phí điều trị.

Một số đề xuất nâng cao chất lượng báo cáo ADR tại bệnh viện:

-  Khai thác kỹ thông tin về tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, thời tiết khi khám, kê đơn thuốc, khi bệnh nhân nhập viện, nhập khoa.

- Nhân viên y tế cần chủ động làm báo cáo ADR, kể cả khi không chắc chắn về sản phẩm đã gây ra

- Báo cáo kịp thời, ghi nhận chính xác các thông tin liên quan

- Ghi lại tất cả biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng bất thường xảy ra trên bệnh nhân

- Viết báo cáo ADR đầy đủ theo hướng dẫn khi được phân công và gửi về khoa Dược

  • Báo cáo tự nguyện với ADR không nghiêm trọng trong vòng 48h
  • Báo cáo bắt buộc với ADR nghiêm trọng ( ADR có thể đe dọa tính mạng và cần ngừng thuốc, kèm điều trị đặc hiệu) trong vòng 24h

Vai trò của nhân viên y tế:

 - Bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên có vai trò quan trọng trong phát hiện, xử lý và báo cáo ADR.

 - Dược sĩ có vai trò hỗ trợ trong cung cấp thông tin y văn, thẩm định, đề xuất xử lý ADR, hoàn thiện báo cáo và gửi báo cáo ADR tới Trung tâm DI & ADR Quốc gia.

Kính đề nghị các đơn vị, cán bộ liên quan đề cao trách nhiệm theo dõi và báo cáo ADR góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.

Trân trọng cảm ơn!

                                                                                                     Hà nội, ngày 19  tháng 9 năm 2019