Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Bác sĩ kể chuyện trực Tết và những em bé đặc biệt trong đêm giao thừa

Bác sĩ kể chuyện trực Tết và những em bé đặc biệt trong đêm giao thừa

Vào thời khắc chuyển giao thập kỷ mới - năm 2020, những bác sĩ Khoa sản thuộc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn ngày đêm túc trực làm việc. Bởi lúc này họ vẫn đang hồi hộp chờ đợi phút giây những em bé đầu tiên cất tiếng khóc chào đời, trong niềm vui hân hoan của gia đình.

Những ca sinh đầu tiên của năm mới
Những ngày cuối năm, không khí tất bật đón năm mới ở Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội như nhường chỗ cho tâm trạng hồi hộp, bồn chồn của những cặp vợ chồng đang chờ giây phút con mình chào đời. Thời khắc giao thừa sắp đến, thế nhưng đội ngũ y bác sĩ làm việc tại Khoa sản vẫn đang tất bật chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, bông băng… phục vụ cho những ca sinh đầu tiên của năm mới.
Trong tất cả các chuyên ngành y tế thì có lẽ ngành Sản khoa là ngành có nhiều niềm vui, nhiều cái hay nhất. Đó là thời khắc thiêng liêng khi đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện được tận mắt chứng kiến, tận tay đón chào những sinh linh cất tiếng khóc trong năm mới.
Giây phút tuy ngắn ngủi nhưng đó lại niềm hạnh phúc lớn lao không thể nào quên của bất kỳ ai trong ngành Sản khoa, tham gia vào ca trực đặc biệt ngày 30 Tết âm lịch.

13 năm trong ngành, nhiều lần có mặt trong ca trực đêm giao thừa, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hương Trà - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tâm sự: Bệnh viện Phụ sản có lẽ là bệnh viện duy nhất có nhiều tiếng cười, nhiều niềm hân hoan nhất trong năm mới mà bất kỳ ai khi nhập viện đều cảm thấy vui vẻ, khi xuất viện lại càng vui hơn.
Theo bác sĩ Trà, thay vì quây quần, đón giao thừa bên gia đình thì các bác sĩ, y tá, hộ sinh tại bệnh viện lại tham gia vào ca trực. Đã trở thành truyền thống, vào đêm 30 Tết, năm nào Ban giám đốc cũng vào thăm tất cả các anh em đảm nhiệm ca kíp, gửi lời chúc mừng, quà tặng tới các bệnh nhân sản phụ.
Sau đó, các lãnh đạo sẽ lì xì cho những sinh linh bé nhỏ chào đời vào 0h, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Niềm hạnh phúc trong đêm giao thừa
Bác sĩ Trà cho biết, để thống kê được số lượt đỡ đẻ của các bác sĩ tại bệnh viện quả là điều không hề dễ. Bởi với mỗi bác sĩ, càng đỡ đẻ thành công bao nhiêu ca sinh thì niềm hạnh phúc càng nhân lên bấy nhiêu, và những thứ này không thể tính bằng con số cụ thể được.
Đối với bác sĩ Trà và nhiều đồng nghiệp khác, được trực vào đêm 30 Tết, tận tay đón chào những sinh linh của năm mới là những kỉ niệm trong nghề mà họ luôn trân trọng. Thậm chí, còn có những bác sĩ chưa lập gia đình còn tình nguyện xin ở lại để trải nghiệm cảm giác đặc biệt ấy.
Nhiều gia đình, cả hai vợ chồng đều làm cùng ngành, có những năm vợ trực mùng 1 Tết, thì mùng 2 Tết chồng lại trực. Vợ chồng 4 - 5 ngày mới gặp nhau là chuyện hết sức bình thường.

Những ấn tượng đẹp thì rất nhiều, ví như khi mình đỡ đẻ cho một sản phụ mang thai 28 tuần theo hình thức thụ tinh ống nghiệm. Do thể trạng cả mẹ và bé đều yếu nên tôi và đồng nghiệp đã cố hết sức trong ca cấp cứu để giữ bé trước nguy cơ nhiễm trùng và suy dinh dưỡng.
Hay những ca vượt cạn khó, em bé vừa chào đời tuy cơ hội sống hiếm hoi nhưng em đã mang một sứ mệnh cứu giúp những số phận bất hạnh khác. “Thiên thần” ấy có thể cứu giúp cho những bệnh nhân ung thư, những em nhỏ bị bãi não trong viện" - bác sĩ Trà chia sẻ.
Có lẽ, với bác sĩ Trà, những phút quý giá, ấn tượng nhất của mỗi bác sĩ Khoa sản chính là được tận tâm hỗ trợ sản phụ, đón chào những sinh linh bé nhỏ ra đời trong sự bình an. Chính vì vậy, bệnh viện vào những ngày Tết không khí cũng ấm cúng như trong gia đình.

Nguồn: https://laodong.vn/y-te/bac-si-ke-chuyen-truc-tet-va-nhung-em-be-dac-biet-trong-dem-giao-thua-780147.ldo

Thu Linh - Tổ Truyền thông