Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Bác sĩ nín thở "mò kim đáy bể" cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ

Bác sĩ nín thở

Hít một hơi thật sâu, nữ bác sĩ đưa mũi kim từ từ tiến vào bên trong "vùng cấm". Cả căn phòng như nín thở. Sai số của đường kim trong trường hợp này không thể tính bằng đơn vị milimet.

Mang thai IVF ở tuần thứ 18, chị Thoa (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh năm 1985, sống tại Vĩnh Phúc phát hiện mình bị tình trạng thiểu ối. Đây là tình trạng màng ối không giữ được nước ối dẫn đến nước ối ít hơn bình thường theo tuổi thai. 

Tình trạng này khiến thai nhi đối mặt với nguy cơ chậm phát triển, biến dạng các chi và nặng hơn là dẫn đến thai lưu.

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 1

Trước đó, trong suốt 13 năm lập gia đình, chị Thoa từng 5 lần mang thai tự nhiên. cũng 5 lần người phụ nữ này nhen nhóm hy vọng rồi lại "rơi xuống vực thẳm" khi cứ đến tuần 17-19 lại bị hỏng/sảy thai. Bác sĩ nhận định, tử cung của người phụ nữ này gặp nhiều vấn đề dẫn tới không nuôi được thai.

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 2

Đến thăm khám tại Trung tâm Can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị Thoa được các bác sĩ chỉ định thực hiện kỹ thuật truyền ối, kết hợp nhiều biện pháp bổ trợ khác để bảo vệ thai nhi cũng như hy vọng làm bố, làm mẹ của gia đình nhỏ, trong điều kiện hết sức hiểm nghèo này.

Sau 2 lần truyền ối trong gần một tháng, hôm nay chị Thoa bước vào lần truyền ối thứ 3, khi nước ối đã lại cạn.

"Truyền ối là kỹ thuật đưa dịch đẳng trương vô khuẩn vào buồng ối để tăng thể tích nước ối cho bào thai. Đây là một kỹ thuật rất tiên tiến trong sản khoa. Trước đây, những trường hợp bị thiểu ối, thai nhi còn quá nhỏ chưa thể can thiệp, lựa chọn duy nhất của bác sĩ là đình chỉ thai kỳ", TS.BS Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Trung tâm Can thiệp bào thai chia sẻ.

Thủ thuật được thực hiện trong phòng can thiệp bào thai vô trùng tuyệt đối, có hệ thống lọc khí áp lực dương theo tiêu chuẩn quốc tế, để đảm bảo tránh nguy cơ nhiễm trùng xuyên suốt quá trình truyền ối.

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 3
Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 4

 

Thủ thuật này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về dụng cụ, dịch truyền. Máy điện tim cũng được thiết lập để giám sát chặt các chỉ số sinh tồn của sản phụ xuyên suốt quá trình thực hiện thủ thuật.

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 5

11h15, BS Sim đặt đầu dò của máy siêu âm lên vùng bụng đã được thoa thuốc sát trùng trước đó của sản phụ. "Chị yên tâm, cố gắng giữ bình tĩnh, mọi chuyện sẽ ổn thôi", phía đầu giường, nữ điều dưỡng khẽ động viên.

Để truyền ối, bác sĩ cần xuyên kim từ thành bụng vào bên trong buồng ối, qua đó truyền dịch từ bên ngoài vào.

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 6

Trung tâm màn hình máy siêu âm hiện lên một màu trắng xóa khiến sự lo lắng hằn rõ lên nét mặt của cả ekip.

"Đây là một ca rất khó, sản phụ bị cạn hoàn toàn nước ối. Em bé bị bó chặt như đang hút chân không. Mọi khe hở gần như không còn", BS Sim cau mày.

2 thử thách khó nhất được đặt ra cho ekip trong trường hợp này chính là làm sao cho mũi kim vừa vượt qua màng ối nhưng lại không được chọc vào thai nhi và cả dây rốn.

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 7

BS Sim mô tả: "Kim chưa vượt qua được màng ối khi truyền dịch sẽ khiến cơ ở màng ối bị tách ra, kim vượt quá một chút, chọc vào bào thai sẽ gây phù nề. Trong khi đó nếu kim xuyên vào dây rốn thì dịch sẽ truyền vào mạch máu rất nguy hiểm".

Tỉ mẩn di chuyển đầu dò máy siêu âm để khảo sát ổ bụng, đôi mắt của nữ bác sĩ nhìn màn hình máy siêu âm không chớp, tìm kiếm một "khe cửa hẹp".

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 8

Dừng lại tại vị trí vùng cổ của thai nhi, BS Sim xác định đây sẽ là vị trí tiếp cận đầu tiên. Sau khi kích hoạt cửa sổ dopler, 2 mảng màu xanh đỏ hiện lên trên màn hình máy siêu âm.

"Với sản phụ cạn ối, dây rốn cũng sẽ ép chặt vào những khe hõm còn lại như vùng cổ hoặc chân, tay. Thông qua sự hỗ trợ của cửa số dopler cùng với kinh nghiệm, chúng tôi sẽ nhận diện được vị trí của dây rốn để tránh đưa kim vào", BS Sim lý giải.

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 9

Hít một hơi thật sâu, BS Sim đưa mũi kim từ từ tiến vào bên trong "vùng cấm". Cả căn phòng như nín thở. Sai số của đường kim trong trường hợp này không thể tính bằng đơn vị milimet.

Cảm giác chính là "kim chỉ nam" của cuộc hành trình đòi hỏi độ chính xác gần như tuyệt đối này. Để đến được đích, chiếc kim phải lần lượt đi qua lớp cơ, lớp mỡ của thành bụng, cơ tử cung và màng ối.

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 10

"Mỗi lớp lại có một cường lực khác nhau. Kim đi đến đâu, bác sĩ phải biết đến đấy. Đây cũng chính là thách thức khó nhất của kỹ thuật này", BS Sim cho hay, chia sẻ thêm rằng nhiệm vụ này cũng giống như "mò kim đáy biển".

"Cố lên con nhé", bên kia tấm màn che nữ sản phụ nhắm nghiền mắt, mấp máy môi.

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 11
Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 12

 

Cảm nhận được đầu kim vừa vượt qua màng ối, BS Sim dừng lại, yêu cầu ekip chuẩn bị truyền ối. Vị trí của đầu kim lúc này, theo mô tả của nữ bác sĩ, nằm ở ranh giới của một chiếc quần tất bó chặt vào chân: Thoát khỏi lớp vải nhưng chưa chạm vào da.

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 13

Từng mililit dịch đẳng trương được truyền chậm rãi từ xi lanh vào buồng ối thông qua đầu kim. Trên màn hình máy siêu âm, một khoảng đen (nước ối) bằng hạt đỗ xuất hiện rồi lớn dần kéo theo niềm hy vọng của cả ekip và sản phụ.

"Ngôi nhà" chật hẹp bỗng trở nên rộng rãi, em bé ngay lập tức trở nên hiếu động. Qua siêu âm có thể thấy rõ thai nhi liên tục vùng vẫy tay chân.

"Trộm vía, bé nghịch lắm, có nước ối vào là phản ứng ngay", BS Sim trò chuyện với sản phụ. Niềm vui lộ rõ trên ánh mắt chị Thoa khi cô cảm nhận ngày càng rõ từng cái đạp của con. Điều tưởng chừng như bình thường nhưng là cả giấc mơ của người phụ nữ này.

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 14

Đôi mắt của BS Sim vẫn không một phút rời khỏi màn hình máy siêu âm. Theo chuyên gia này, trong suốt quá trình truyền ối phải theo dõi sát diễn biến trong buồng ối, để kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể xảy ra.

Sau khi truyền được 20 xi lanh dịch, em bé bất ngờ đưa tay che khuất mũi kim. BS Sim quyết định tìm một đường truyền khác thuận lợi hơn.

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 15

"Đường truyền thứ hai sẽ nhẹ nhàng hơn đường truyền đầu tiên. Lúc này mặc dù em bé liên tục cử động nhưng buồng ối đã rộng hơn rất nhiều và có nhiều khoảng trống để tiếp cận", BS Sim phân tích. Ekip chỉ mất 3 phút để hoàn thành đường truyền thứ hai.

11h57, các y bác sĩ hoàn tất truyền 500ml dịch đẳng trương vào bên trong buồng ối. Các thử thách lớn nhất đã được vượt qua.

Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 16
Bác sĩ nín thở mò kim đáy bể cứu thai nhi bị bó chặt trong bụng mẹ - 17

 

Ngắm nhìn con yêu nô đùa trên màn hình máy siêu âm, những giọt nước mắt hạnh phúc chực trào trên khóe mắt của vợ chồng chị Thoa.

Một trận đánh quan trọng nữa lại giành được thắng lợi nhưng trước mắt, gia đình sản phụ và các y bác sĩ vẫn còn cả một cuộc chiến dài. Mục tiêu được đặt ra là giữ thai thêm 10 tuần nữa. Khi em bé đạt đến tuần 34-35 sẽ đưa ra ngoài nuôi dưỡng.

"Điều trị thiểu ối là một hành trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì rất lớn không chỉ của y bác sĩ mà của cả gia đình sản phụ", BS Sim nhấn mạnh.

Nguồn:

https://dantri.com.vn/suc-khoe/bac-si-nin-tho-mo-kim-day-be-cuu-thai-nhi-bi-bo-chat-trong-bung-me-20230724112935937.htm

Bá Thành - Tổ Truyền thông