Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Sự thay đổi tâm sinh lý của các bạn nữ

Sự thay đổi  tâm sinh lý của các bạn nữ

Tuổi dậy thì là lúc cơ thể bạn gái thay đổi và trở nên giống người lớn hơn. Việc thay đổi bắt đầu sớm nhất là 8 tuổi hoặc muộn nhất là 13 tuổi. Tuổi dậy thì bắt đầu khi não của bạn gái gửi tín hiệu đến một số bộ phận của cơ thể để bắt đầu phát triển và thay đổi. Những tín hiệu này được gọi là hormone.

Dưới góc độ sinh học, tuổi dậy thì là thời kỳ trưởng thành sinh dục, nghĩa là bắt đầu có khả năng sinh con.Khi bước vào độ tuổi dậy thì, những thay đổi về tâm sinh lý khiến các bạn gái vô cùng lo lắng. Đó là lúc bạn gái có những thay đổi về cơ thể cũng như có những rung động đầu đời hoặc có cảm giác với bạn khác giới.

Những thay đổi xảy ra trong tuổi dậy thì của bạn gái

Ở tuổi dậy thì, hormone gây ra những thay đổi sau:

- Bạn phát triển chiều cao và cân nặng.
- Hông của bạn có thể rộng hơn.
- Ngực phát triển.
- Mọc lông mu, lông nách.
- Mùi cơ thể thay đổi.
- Nổi mụn trứng cá.
- Bạn có được kỳ kinh nguyệt đầu tiên.

Các câu hỏi sẽ lại được đặt ra:

Tai sao ngực của em lại sưng phồng lên, cứng cứng? Ngực phát triển không đều bên to bên nhỏ? Tất cả những thay đổi này đều hết sức bình thường, vì vậy bạn không nên lo lắng quá nhiều. Núm vú của em bị tụt vào? Câu trả lời là không sao bạn ạ, núm vú có hai dạng lồi ra hoặc thụt vào. Nguyên nhân là do các ống dẫn sữa dính liền với núm vú quá ngắn. Bạn đừng lo lắng vì đây chỉ là một sự khác biệt về cấu tạo vòng 1 thôi. Nó không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ hay chức năng của tuyến vú

Mặt bạn gái bị nổi nhiều mụn trứng cá, em cần phải làm gì? Rửa mặt thường xuyên bằng nước và sữa rửa mặt nhẹ để giúp loại bỏ bã nhờn. Điều này sẽ giúp giảm mụn nhọt và mụn trứng cá. Tránh các sản phẩm làm khô hoặc kích ứng da của bạn. Không chà mạnh da của bạn. Nếu bạn lo lắng về mụn trứng cá hoặc mụn nhọt, một số loại thuốc có thể giúp bạn điều trị chúng. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị nếu mụn không có dấu hiệu thuyên giảm.

Kinh nguyệt là gì, vì sao em lại bị chảy máu? Bạn cần biết: bắt đầu ở tuổi dậy thì, mỗi tháng cơ thể bạn sẽ chuẩn bị cho một kỳ kinh nguyệt. Hormone báo hiệu cho buồng trứng để giải phóng trứng vào mỗi tháng. Sau đó, trứng sẽ di chuyển vào một trong các ống dẫn trứng. Đồng thời, niêm mạc tử cung bắt đầu phát triển và dày lên. Nếu trứng không được thụ tinh bởi tinh trùng từ đàn ông, thì việc mang thai sẽ không xảy ra. Nếu sự thụ tinh không xảy ra, hoàng thể sẽ bị thoái hóa, nồng độ estrogen và progesterone giảm xuống, các tế bào nội mạc tử cung không được nuôi dưỡng nữa, chúng bị loại bỏ ra khỏi cơ thể cùng với máu kinh nguyệt. Đây được gọi là thời kỳ kinh nguyệt.

Hầu hết kinh nguyệt thường bắt đầu trong độ tuổi từ 12 đến 14 tuổi, nhưng một số trường hợp bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn.Thời gian thường kéo dài từ 2 ngày đến 7 ngày. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể không đều. Bạn có thể có hai giai đoạn trong 1 tháng, hoặc có tháng kinh nguyệt không xuất hiện. Có thể mất khoảng 1-2 năm sau giai đoạn đầu tiên để cơ thể bạn có được chu kỳ đều đặn. Hãy nhớ rằng nếu bạn đã có quan hệ tình dục, sau một khoảng thời gian kinh nguyệt không xảy ra có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang mang thai.

Bạn nên chuẩn bị trước khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu đến. Chuẩn bị sẵn tampon, băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san ở nhà và mang theo chúng khi đến trường để tránh trường hợp kinh nguyệt tới bất ngờ.

Cứ tới chu kỳ kinh em lại bị chuột rút, đau bụng dưới, đau lưng, đau đầu, chóng mặt Để giúp giảm bớt chuột rút, bớt đau  bạn có thể thử các cách sau:

  • Uống ibuprofen hoặc naproxen natri (trừ trường hợp bạn bị dị ứng với aspirin hoặc bị hen suyễn nặng).
  • Tập thể dục nhẹ nhàng
  • Chườm khăn ấm lên bụng hoặc lưng dưới.

Bạn hãy đi khám bác sĩ hoặc nói với cha mẹ nếu gặp các vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt sau:

  • Bạn 15 tuổi và chưa có kinh nguyệt.
  • Chu kỳ của bạn đều đặn mỗi tháng nhưng sau đó ngừng hoạt động.
  • Chu kỳ của bạn đến sớm hơn hoặc muộn hơn.
  • Chu kỳ của bạn cách nhau 90 ngày (ngay cả khi điều đó chỉ xảy ra một lần).
  • Chu kỳ của bạn kéo dài hơn 7 ngày.
  • Chu kỳ của bạn quá nặng đến nỗi bạn phải thay miếng lót hoặc băng vệ sinh thường xuyên (nhiều hơn một lần trong 1-2 giờ).
  • Bạn bị chuột rút tới mức khiến bạn không thể thực hiện các hoạt động bình thường

Cha mẹ cần làm gì để giúp con gái đối diện với thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì

Đối với nhiều bậc cha mẹ, để đồng hành cùng con vượt qua tuổi dậy thì là một điều không hề dễ dàng. Phụ huynh cần bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào? 

Theo các chuyên gia tâm lý: các bạn nữ thường bước vào độ tuổi dậy thì sớm hơn các bạn nam nên sẽ cảm thấy mình trưởng thành sớm hơn. Bởi vậy, chúng ta cần chuẩn bị tâm lý cho các con tốt hơn. Hãy làm thế nào đó để giúp con yêu cơ thể của mình và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi trên cơ thể. Hay cho con thấy độ cong trên cơ thể người phụ nữ là một niềm tự hào đáng trân trọng. Trên thực tế, có nhiều bạn gái bước vào độ tuổi dậy thì cảm thấy ái ngại, thiếu tự tin khi vòng một hay vòng ba của mình phát triển. Bởi vậy, ba mẹ cần giúp con hiểu được để trân trọng những đường nét đó bất kể dậy thì sớm hay muộn. Tất nhiên, nếu dậy thì sớm chúng ta cũng cần phải đưa con đi thăm khám nhưng chúng ta vẫn giúp con yêu cơ thể của mình trước.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần giúp con có ý thức nhiều hơn về thẩm mỹ cơ thể và dạy cho con cách để làm cơ thể đẹp hơn mỗi ngày. Cha mẹ có thể truyền cảm hứng cho con bằng việc tập thể dục thể thao đúng cách và có chế độ ăn phù hợp. Khi đó, con sẽ sự sẵn sàng đón nhận giai đoạn tuổi dậy thì trong tâm thế thực sự thoải mái.

Bên cạnh những vấn đề về tâm lý, cha mẹ nên giúp con tìm hiểu sớm kiến thức dậy thì, giới tính, sức khỏe sinh sản. Xây dựng một chế độ ăn lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng, vitamin để con có thể phát triển tối ưu chiều cao, cân nặng. Chuẩn bị cho con trang phục (nội y) phù hợp giúp con có sự tự tin trong hoạt động hàng ngày. Hướng dẫn con giữ vệ sinh đúng cách và chọn dung dịch vệ sinh, băng vệ sinh phù hợp.

Thêm nữa, vệ sinh vùng kín cũng là điều hết sức quan trọng với các bạn gái, đặc biệt là trong tuổi dậy thì và chu kỳ kinh nguyệt. Ba mẹ cần hướng dẫn con từ khi còn nhỏ, ít nhất là khi con có ý thức về giới tính. Nếu để đến khi con xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên mới hướng dẫn con thì không dễ để con làm tốt ngay được”.

Ba mẹ cần giúp con hiểu được việc vệ sinh vùng kín hàng ngày sẽ giúp con sạch sẽ, tự tin và không có mùi khó chịu. Tuy nhiên, khi con xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt thì vùng kín của con sẽ ẩm ướt hơn và những ngày đó sẽ trở nên nhạy cảm hơn. Nếu không giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ thì vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở. Ở giai đoạn này, cha mẹ nên hướng dẫn con dùng dung dịch vệ sinh thay vì chỉ rửa bằng nước sạch. Và nên hướng dẫn con lựa chọn dung dịch vệ sinh có độ PH phù hợp, thương hiệu uy tín. Việc lựa chọn mùi hương của mỹ phẩm nói chung hay dung dịch vệ sinh cũng rất quan trọng với các bạn nữ. Mùi hương thể hiện cá tính, nội tâm bên trong của con người.

Nguồn: Cẩm nang chăm sóc sức khoẻ sinh sản tuổi VTN của TTND.GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc bệnh viện Phụ Sản Hà Nội

Thu Linh - Minh Thanh