Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Tiếp Đoàn công tác Cục quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế về việc thực hiện thông tư 43/2015/TT-BYT

Tiếp Đoàn công tác Cục quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế về việc thực hiện thông tư 43/2015/TT-BYT

Ngày 29/03/2023, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã có buổi làm việc với đoàn công tác Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế về việc thực hiện thông tư 43/2015/TT-BYT về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội tại bệnh viện. Đoàn công tác do TTND.PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng cục Khám chữa bệnh dẫn đầu cùng các thành viên trong đoàn. Tiếp đoàn công tác về phía Sở Y tế Hà Nội có TS Nguyễn Đình Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế; Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội có TTND. GS.TS. BS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc bệnh viện và lãnh đạo các phòng ban chức năng có liên quan.

                                                                                                                       ( Ảnh Bá Thành)

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, là bệnh viện chuyên khoa cấp 1 của thành phố đồng thời cũng là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành sản phụ khoa của Bộ Y tế. Hàng năm, bệnh viện tổ chức khám, điều trị Sản Phụ khoa cho gần 1 triệu lượt người bệnh ngoại trú mỗi năm. Đón nhận khoảng 40.000 ca sinh tại bệnh viện/năm; trên 40.000 ca phẫu thuật, thủ thuật sản phụ khoa. Trong đó, nhiều ca bệnh khó, nhiều trẻ sơ sinh non tháng và cực non 26 tuần tuổi được chăm sóc tại Bệnh viện. Chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn Sản Phụ khoa cho 25 bệnh viện, 4 nhà hộ sinh, 30 trung tâm y tế tuyến quận huyện thành phố HN và 5 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc. Là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc trong ứng dụng tiến bộ KHKT vào công tác Khám chữa bệnh.

Thực hiện Thông tư số 43/2015 của Bộ y tế ngày 26/11/2015 quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội tại bệnh viện, phòng Công tác xã hội (CTXH) bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã chính thức được thành lập ngày 25 tháng 1 năm 2016 với 3 nhiệm vụ chính đó là: Tuyên truyền và quan hệ công chúng; An sinh xã hội cho nhóm đối tượng ưu tiên; Hỗ trợ người bệnh và nhân viên y tế. 08 năm xây dựng và phát triển, phòng CTXH Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã được bổ sung thêm 08 nhiệm vụ: chăm sóc khách hàng, hợp tác quốc tế, tổ chức sự kiện, đào tạo về CTXH, mạng lưới CTXH tại các khoa/phòng, thư ký BGĐ, bảo lãnh viện phí và tư vấn tâm lý  đang trong quá trình xây dựng.

Với nhân lực khi thành lập chỉ có 03 người đến năm 2023, phòng CTXH đã xây dựng được một đội ngũ hùng hậu gồm 31 nhân viên đào tạo bài bản, giàu trách nhiệm, vững vàng trong chuyên môn, trong đó có nhiều nhân viên được đào tạo ở nước ngoài, đáp ứng với nhu cầu phát triển nhanh và mạnh của CTXH trong bệnh viện.

Qua 8 năm, phòng CTXH đã tiếp đón, chỉ dẫn cho 380.441 khách hàng và thực hiện 156.220 cuộc gọi CSKH sau ra viện, tiếp nhận 34.326 lượt tư vấn, giải đáp thông tin qua tổng đài CSKH, phòng CTXH cũng đã hỗ trợ 138 trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, điển hình là 27 ca trong chương trình Can thiệp bào thai và 21 ca của chương trình “Vì một niềm tin hạnh phúc”. Bên cạnh những hoạt động chăm sóc khách hàng và hỗ trợ người bệnh, hoạt động truyền thông và giáo dục cũng rất được chú trọng, thể hiện qua 77 buổi chương trình giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản cho 40.567 học sinh tại các trường THCS và THPT trên địa bàn Hà Nội, xây dựng ấn phẩm “Cẩm nang đi viện” để cung cấp các thông tin cần thiết cho khách hàng.

Hoạt động từ thiện và vận động tài trợ trong giai đoạn vừa qua cũng là một trong những điểm nổi bật của phòng CTXH như quyên góp  kinh phí xây dựng Cầu Ngọn Ngòi tại xã Bạch Hà, tỉnh Yên Bái năm 2017, hỗ trợ xây 85 nhà “Đại đoàn kết” cho các gia đình chính sách, người nghèo, cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2019 và 2020 cùng nhiều hoạt động từ thiện khác. Đặc biệt trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, khi cả nước nói chung và ngành y tế nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn, phòng Công tác xã hội bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã chung tay đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ cho các bác sĩ tuyến đầu chống dịch, trong đó phải kể đến chương trình chi viện Vật tư y tế đẩy lùi dịch Covid -19, bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã quyên góp 200.000.000đ cùng các vật tư y tế thiết thực cho các bệnh viện tuyến dưới năm 2020. Đến năm 2021, phòng CTXH đã kêu gọi được 1,3 tỉ đồng kinh phí ủng hộ phòng chống dịch cho các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và quỹ Vaccine Covid-19. Đồng thời, phòng CTXH còn trở thành vùng đệm quan trọng trong giai đoạn thực hiện “Bốn tại chỗ”, giúp kết nối giữa người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế trong bệnh viện.

Qua kiểm tra thực tế, nghe báo cáo và các ý kiến tại buổi làm việc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác xã hội tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đã có những hướng dẫn thêm đối với Bệnh viện  trong vấn đề thực hiện công tác xã hội.

                                                      ( Ảnh Bá Thành)

Đoàn cũng đề ra một số giải pháp để đơn vị thực hiện công tác xã hội hiệu quả hơn trong thời gian tới. Theo đó, với tiêu chí “lấy người bệnh làm trọng tâm” của ngành Y tế, bất cứ hoạt động gì trong bệnh viện cũng cần có cơ chế, quy định rõ ràng. Thông tư số 43/2015/TT-BYT quy định quy chế hoạt động của công tác xã hội tại các bệnh viện đã phần nào giúp các đơn vị triển khai thuận lợi. Đến nay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, Thông tư số 43 cũng cần khảo sát, điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian tới.

Thu Linh - Tổ Truyền thông