Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Trái ngọt từ những ca can thiệp y học bào thai

Trái ngọt từ những ca can thiệp y học bào thai

Phòng khám sơ sinh 102 nhà B hôm nay rộn rã tiếng chào tiếng hỏi thăm, như người thân xa nhà lâu ngày gặp lại. Nét mặt hạnh phúc của 20 cặp bố mẹ hòa cùng với tiếng ê a của các bé trong ngày hẹn quay lại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nôi tổng kiểm tra sức khỏe cho các con. Đây chính là những “trái ngọt” của PGS.TS BS Nguyễn Duy Ánh, BSCKI Nguyễn Thị Sim và các đồng nghiệp đã dầy công “vun đắp” cứu chữa từ lúc còn trong bào thai.

Chị Vương Thị Linh – là một trong những thai phụ được chẩn đoán song thai chung một bánh rau từ rất sớm. Khi thai được 12 tuần tuổi, thai phụ được theo dõi tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - người trực theo cho chi Linh: “chị Linh được phát hiện mắc hội chứng truyền máu song thai ở tuần 20 của thai kỳ. Ở tuần 23, chúng tôi phát hiện một thai bị hết ối, bó sát vào cơ thể bé như bị hút chân không khiến bé không thể thở, trong khi thai kia lại dư ối khiến em bé bồng bềnh trong nước ối. Nhận thấy tình trạng nguy cấp, sau khi hội chẩn, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh đã tiến hành ca can thiệp trong buồng tử cung sản phụ.”. Điều đặc biệt ở ca này là cả hai thai đều có dấu hiệu sự sống, bác sĩ phải đấu trí làm sao tìm được các mạch máu ở đường nối của bánh rau, đảm bảo ở vị trí cân bằng để tiến hành chặn, mục đích là để hai thai có được dinh dưỡng tối ưu nhất. Nếu để lệch, tính mạng của thai nhi sẽ khó giữ. Cái khó là phải can thiệp khi cả hai đều đang cử động trong bào thai, qua màn hình camera siêu bé, lại trong môi trường nước. Bất cứ dụng cụ nào cũng có thể chạm vào em bé gây tổn thương. Nếu không khéo léo sẽ không thể điều khiển được tia laser vào đúng mạch máu như ý muốn, như vậy, bệnh sẽ tái phát hoặc khiến em bé rơi vào tình trạng xấu nhất. Cuối cùng, ca can thiệp đã thành công sau 40 phút nhờ sự nỗ lực và phối hợp của các y bác sĩ. Sau ca can thiệp, sản phụ tiếp tục được theo dõi sát sao. Hai em bé phát triển đồng đều. Đến khi song thai bước sang tuần 33, sản phụ L có cơn chuyển dạ và được cấp cứu trong đêm. Sản phụ Linh đã đẻ thường thuận lợi được 2 bé gái, mỗi bé nặng 1,8 kg.  Hơn sáu tháng sau sinh đưa hai bé trở lại viện thăm khám tổng quát, chụp cộng hưởng từ đánh giá sự phát triển của não bộ,… chị Linh không hết lời cảm ơn các bác sĩ bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: “chúng em có duyên được gặp bác sĩ Ánh, BS Sim và các anh các chị trong bệnh viện, giờ em và hai con khỏe mạnh lớn khôn không biết nói gì hơn em chân thành cảm ơn các bác sĩ nhiều nhiều ạ”

Anh Trung chị Trang ở Văn Giang, Hưng Yên biết tin chị mắc hội chứng truyền máu song thai ở tuần thứ 12 qua tìm hiểu thông tin được biết đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội có can thiệp y học bào thai. Anh chị đã tìm đến bệnh viện và chị Trang được hội chẩn chuyển mổ can thiệp vào tuần thứ 19. Sau mổ chị được sự chăm sóc rất nhiệt tình của nhân viên y tế bệnh viện. 35 tuần chị Trang chuyển dạ sinh em bé. Em bé khỏe mạnh hàng tháng tăng cân đều từ 1,1kg đến 1,2kg. Hôm nay đến kiểm tra sức khỏe tổng quát, chụp CT, em bé phát triển bình thường. Anh Trung thay mặt gia đình trân trọng cảm ơn Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, cảm ơn BS Ánh, BS Sim nhờ có các bác sĩ gia đình anh đón con yêu khỏe mạnh chào đời.

Trái ngọt từ những ca can thiệp y học bào thai

Chị Chang ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc với vẻ mặt hơi lo lắng khi đưa con vào gặp BS Phương khoa Sơ Sinh. Trường hợp của chị Chang cũng khá đặc biệt. Trong một lần khám thai tại bệnh viện tỉnh, chị Chang được phát hiện dấu hiệu của hội chứng truyền máu song thai. Chị được tư vấn tới bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cũng là bệnh viện công đầu tiên trong cả nước thực hiện được phương pháp can thiệp bào thai trong hội chứng truyền máu song thai. Ngày tới Bệnh viện, chị trong tình trạng bụng to, khó thở, qua siêu âm kiểm tra bác sĩ phát hiện 1 thai cạn ối (thai cho) có dấu hiệu suy tim, suy dinh dưỡng trong khi thai còn lại (thai nhận) bị đa ối. Nếu không phẫu thuật điều trị hội chứng truyền máu, chắc chắn sẽ mất cả hai thai nhi, nếu phẫu thuật thành công có thể cứu được 1 em bé. Sau khi tiến hành hội chẩn, Bệnh viện quyết định thực hiện mổ cấp cứu tại phòng mổ can thiệp bào thai. Ekip bác sĩ gồm PGS. TS. BS. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và BS CKI. Nguyễn Thị Sim - Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh & sơ sinh. Các bác sĩ đông mạch máu dây rốn nhằm chặn đường truyền máu gây ảnh hưởng từ thai cho đến thai còn lại. Cuộc phẫu thuật diễn ra thành công. Ba tuần sau cuộc phẫu thuật, chị Chang có dấu hiệu đau bụng, cổ tử cung xóa mở, chị được chỉ định nhập viện. Sản phụ sinh thường một bé trai 750g, lúc này em bé mới được 25 tuần tuổi. Vì sinh non tháng, em bé gặp triệu chứng suy hô hấp nặng. Sau 102 ngày điều trị tại khoa Sơ sinh Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, em bé hoàn toàn tự thở được và đạt cân nặng 2700g. Con ngủ tốt, các chỉ số hô hấp, tuần hoàn và tiêu hóa ổn định và được xuất viện. Ths.BSCKII Phạm Thị Thu Phương – Phó khoa sơ sinh cho biết sức khỏe của em bé ổn định, sau 1 tháng ra viện bé tăng 1kg. Gia đình sẽ vất vả chăm bé hơn các gia đình khác một chút lưu ý hệ hô hấp của bé hơn, nhưng sau 1 tháng ra viện cháu tăng cân và phát triển như thế này là rất tốt. Và nụ cười đã nở trên môi chị Chang cùng gia đình.

Ths.BS Phạm Thị Thu Phương thăm khám cho bé con chị Chang

Đây chỉ là ba trong số 20 gia đình hôm nay đưa con đến khám theo hẹn. Nhìn nét mặt rạng ngời của các ông bố, bà mẹ không ai nghĩ hơn 1 năm trước họ đã có những lúc đứng ngồi không yen, lo lắng tìm cách chữa bệnh và rồi tìm đến với Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội với một niềm hy vọng lớn lao. Họ đã trao cho các bác sĩ của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội một niềm tin để giờ đây các anh các chị và gia đình đón nhận một niềm hạnh phúc vô bờ - đón con yêu chào đời khỏe mạnh.

Thu Linh - Tổ Truyền thông