Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Kỹ thuật đốt u xơ tử cung bằng sóng cao tần (RFA)

Kỹ thuật đốt u xơ tử cung bằng sóng cao tần (RFA)

Thay vì bóc, cắt tử cung, phương pháp đốt sóng cao tần giúp bảo tồn tử cung, giữ lại khả năng sinh sản cho phụ nữ.

Ứng dụng này đã được Sở y tế Hà Nội phê duyệt là kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội năm 2023

U xơ tử cung là một bệnh thường gặp ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản hoặc mãn kinh. Vẫn có nhiều trường hợp phụ nữ mắc bệnh khi còn trẻ, chưa sinh con đẻ cái. Theo thống kê cho thấy phụ nữ ngoài 30 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh là 50%, trong khi đó phụ nữ ngoài 50 tuổi có tỷ lệ mắc lên đến 70%. Hiện có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý này, như bóc u xơ tử cung, cắt tử cung hoặc các phương pháp xâm lấn tối thiểu như tắc mạch, siêu âm hội tụ cường độ cao...

Tuy vậy, theo PGS.TS Lê Thị Anh Đào – Trưởng khoa Phụ ngoại A5: thực tế có rất nhiều bệnh nhân không muốn mất tử cung, không muốn phẫu thuật và mong muốn được lựa chọn các phương pháp điều trị bảo tồn.

Với phương pháp đốt sóng cao tần, PGS Anh Đào cho rằng sẽ là giải pháp "xâm lấn cực kỳ tối thiểu", cho phép phụ nữ bảo tồn tử cung, giữ lại khả năng sinh sản cho họ. "Đây là phương pháp điều trị bằng nhiệt. Dòng điện của sóng cao tần có tần số từ 350-500 kHz kích thích gây ra chuyển động các phân tử quanh điện cực. Từ đó sinh ra nhiệt và sẽ phá hủy khối u xơ tử cung, cũng như lạc nội mạc tử cung" 

Ngoài ra đốt sóng cao tần đang được nghiên cứu, ứng dụng điều trị bệnh tuyến cơ tử cung một căn bệnh gây đau và vô sinh vốn rất khó điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính hiệu quả của phương pháp đốt sóng cao tần trong điều trị bệnh tuyến cơ tử cung.

Phương pháp này được FDA (Hoa Kỳ) công nhận từ năm 2012 và hiện đã được được áp dụng trong điều trị bệnh lý tuyến giáp, gan, mạch máu và sản phụ khoa tại Việt Nam,

Một số hình ảnh điều trị bằng sóng cao tần tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội

                                      ( Ảnh Tuấn Anh)

Thu Linh - Tổ Truyền thông