Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Thông tin thuốc - Bản tin Dược lâm sàng số 9 năm 2022

Thông tin thuốc - Bản tin Dược lâm sàng số 9 năm 2022

Bài tìm kiếm có hệ thống về đường dùng thay thế cho tiêm tĩnh mạch Tranexamic acid đối với chảy máu sau sinh

Shajyr-Still et. Al.: Alternative routes to intravenous tranexamic acid for postpartum hemorrage: A systematic search and narrative review.

          Chảy máu sau sinh (postpartum hemorrage – PPH) xảy ra với khoảng 14 triệu phụ nữ mỗi năm và là nguyên nhân chính gây tử vong cho sản phụ. Tranexamic acid (TXA) là một thuốc chống tiêu sợi huyết, được sử dụng để giúp cầm máu và giảm tỉ lệ tử vong với rất ít tác dụng phụ. TXA nếu được sử dụng dự phòng trong các ca phẫu thuật có thể giảm tới 1/3 tỉ lệ bệnh nhân cần truyền máu cũng như giảm 1/3 lượng máu mất. Vào năm 2017, WHO đã khuyến cáo nên sử dụng TXA cho mọi trường hợp bệnh nhân PPH bất kể nguyên nhân, và nên được sử dụng trong vòng 3 giờ sau sinh. Trong bài tìm kiếm có hệ thống bởi Shakur-Still et al., tác giả đã tìm kiếm những thông tin về nồng độ TXA trong máu khi được sử dụng bằng các đường khác ngoài tiêm tĩnh mạch và nồng độ cần thiết để ức chế tiêu sợi huyết.

            Nồng độ TXA cần thiết: Các bài nghiên cứu về nồng độ TXA trong máu cần thiết để ức chế tiêu sợi huyết đã được tìm kiếm trong các cơ sở dữ liệu MEDLINE, EMBASE, OviSP và ISI Web of Science từ lúc cơ sở dữ liệu được thành lập tới tháng 11/2017, và từ tháng 7/2018 tới tháng 7/2021. Các bài nghiên cứu bao gồm cả nghiên cứu in vitro in vivo. Nồng độ TXA trong máu khi đạt từ 10-15mg/L đạt được khả năng ức chế tiêu sợi huyết đáng kể, trong khi nồng độ TXA khi đạt từ 5-10mg/L chỉ có khả năng ức chế tiêu sợi huyết một phần.

            Nồng độ TXA trong máu khi thuốc được đưa thông qua các đường khác: Bài tìm kiếm có hệ thống đã đưa ra 2 phương pháp để đánh giá nồng độ của TXA trong máu: mô hình dược động học (Pharmacokinetic modeling – PBPK) và thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (Pharmaco-TXA trial). Đối với PBPK, một liều thuốc TXA duy nhất qua đường uống, tiêm bắp (IM) hay tiêm dưới da (subQ) được đánh giá đối chiếu với mức tiêu chuẩn 15mg/L. Kết quả: 1 liều TXA 1g tiêm bắp được dự đoán sẽ vượt 15mg/L dưới 15 phút, trong khi liều 4g qua đường uống được dự đoán sẽ vượt 15mg/L trong vòng 15-30 phút.

            Đối với thử nghiệm Pharmaco-TXA: 15 tình nguyện viên khỏe mạnh sẽ được cho: 1g TXA tiêm tĩnh mạch, 1g TXA tiêm bắp thông qua bắp tay (n=9) hoặc đùi (n=6), và 2g TXA đường uống. 10 mẫu máu sẽ được thu thập trong khoảng từ 5 phút đến 24h sau khi được cho TXA. Thời gian để nồng độ TXA đạt 10 mg/L đối với tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp và đường uống lần lượt là 1 phút, 3.5 phút và 66 phút. TXA đường uống chỉ đạt được nồng độ 10mg/L ở 11/15 tình nguyện viên, trong khi TXA tiêm bắp thì luôn đạt được nồng độ 10mg/L ở cả 15 tình nguyện viên.

            Tương lai: Hiện tại, thử nghiệm lâm sàng Woman-PharmacoTXA là thử nghiệm theo thời gian, ngẫu nhiêu, nhãn mở nghiên cứu về dược lý, dược động học, độ an toàn và hiệu quả của TXA khi được thực hiện trên phụ nữ mang thai thông qua đường tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, hoặc uống khi sản phụ mổ đẻ có ít nhất 1 nguy cơ bị PPH. Nghiên cứu được kỳ vọng sẽ có kết quả vào tháng 3/2023. Kết quả của nghiên cứu này sẽ cho chúng ta biết liệu TXA tiêm bắp có thể thay thế cho việc tiêm/truyền tĩnh mạch TXA đề điều trị PPH hay không.

Tài liệu tham khảo:

Shakur‐Still, Haleema, et al. “Alternative Routes to Intravenous Tranexamic Acid for Postpartum Hemorrhage: A Systematic Search and Narrative Review.” International Journal of Gynecology & Obstetrics, vol. 158, no. S1, 2022, pp. 40–45., https://doi.org/10.1002/ijgo.14201